Kẻ thất bại thường giỏi ao ước kiên trì như đại bàng, mạnh mẽ như hổ, kỷ luật như sói; Người thành công đơn giản là nỗ lực để tạo nên một phiên bản "TÔI" tốt nhất

Đó là mơ ước của kẻ thất bại. Còn người thành công thì hoàn toàn khác, họ chỉ đơn giản là biết mình yếu kém ở đâu và bắt tay vào tạo ra một phiên bản "tôi" tốt nhất.



Trong tự nhiên, các loài vật luôn cho chúng ta rất nhiều bài học về lối sống và thành công, đặc biệt là những loài mạnh mẽ như đại bàng, hổ, sư tử, sói… Tuy nhiên, đã bao giờ bạn nghĩ rằng, đọc và nghe những bài học về chúng thì dễ nhưng để thực hiện, thì lại là một chuyện rất khác, rất khó khăn. Vì vậy, bài học từ tự nhiên cũng cần nhiều yếu tố khác thì mới trở nên hữu dụng.

Bài học từ tự nhiên luôn rất khác với cuộc sống

Gần đây, tôi có đọc một số bài viết rất hay, đại loại là về những phẩm chất của một người thành đạt, nhìn nhận từ nhiều bài học trong tự nhiên. Chẳng hạn như câu chuyện về đại bàng và 150 ngày lột xác. Đại bàng đến năm 40 tuổi phải trải qua rất nhiều đau đớn, từ việc đập mỏ vào mỏm đá cho đến khi gãy ra rồi dùng chiếc mỏ mới bẻ gãy hết toàn bộ móng vuốt; cho đến việc dùng bộ móng vuốt mới nhổ đi từng sợi lông. Bởi vì lúc này, nó chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc trải qua quá trình lột xác dài 150 ngày đầy đau đớn hoặc chờ chết.



Hay như câu chuyện về loài hổ, cũng rất bổ ích. Hổ được mệnh danh là chúa tể sơn lâm. Nó không chỉ to lớn, mạnh mẽ, thông minh mà còn có kỹ năng săn mồi, chiến đấu hiệu quả dù chỉ sống đơn độc. Ngoài ra, cũng phải kể đến câu chuyện về loài sói. Sói là loài sống bầy đàn, có tập tính xã hội cực cao. Một bầy sói luôn đoàn kết hợp sức trong lúc săn mồi và bảo vệ lãnh thổ. Trong đó, con sói đầu đàn luôn mang trong mình bản lĩnh cao nhất, đáng khâm phục nhất. Suy cho cùng, những bài học này muốn hướng chúng ta luôn nỗ lực, kiên trì, dám đương đầu với thử thách, thất bại…

Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng những bài học truyền cảm hứng trên có phần phi thực tế và chỉ mang tính tương đối chưa? Và nếu có thể làm theo một lời khuyên, chẳng hạn như trở thành một con đại bàng dũng mãnh, một con hổ mạnh mẽ, một con sói đầu đàn so với trở thành một người thành đạt; bạn sẽ lựa chọn gì? Đương nhiên, chúng ta chỉ nên là những người trưởng thành và hoàn thiện nhất có thể chứ không nên là những loài vật trên.

Không thể phủ nhận rằng những bài học từ tự nhiên luôn bổ ích và mang đến một nguồn cảm hứng bất tận cho những người trẻ mới bắt đầu gây dựng sự nghiệp. Song, suy cho cùng, chúng chỉ mang tính tương đối và có phần xa rời thực tế. Bởi vì thực tế cho thấy, hầu hết các câu chuyện về những loài vật trong thiên nhiên đều do con người chúng ta thêu dệt là chính. Xét về mặt khoa học, đại bàng, sư tử, hổ, báo, sói, sống trong một điều kiện riêng biệt, hoàn toàn khác xa con người chúng ta. Động vật thì luôn phải học cách sinh tồn và tự bảo vệ bản thân. Qua nhiều quá trình tiến hóa, chọn lọc tự nhiên, sinh trưởng và phát triển, chúng hình thành tập tính và bản năng. Từ đó, người ta hình tượng hóa, tôn sùng, thần thánh hóa (đôi khi có phần thái quá) chúng và những bài học như trên ra đời và lan rộng. Và một cách vô tình như thế, nhiều người lại khao khát được mãnh mẽ, kiên trì, kỷ luật như các loài vật. Điều đó là rất sai lầm!
Chưa hết, đọc và nghe về bài học từ tự nhiên là việc mà ai cũng làm được. Nhưng nếu cứ mãi chìm đắm trong những điều phi thực tế như vậy thì chỉ khiến con người ta chỉ giỏi mơ mộng, chứ không hề hành động để thay đổi cuộc sống thực tại. 
Đó cũng chính là khác biệt lớn nhất giữa người thành công và kẻ thất bại, giữa người làm chủ và người làm thuê, giữa người giàu và người nghèo. Thay vì nghĩ về những điều không tưởng, hành động để thay đổi bản thân mới chính là điều ai cũng cần phải làm.




Một loài động vật, dù tài giỏi đến đâu, thì vẫn chỉ là một con vật bình thường. Cứ mãi mơ tưởng, tôn sùng nó, thì chẳng khác nào mải chạy theo những điều xa rời thực tế. Và việc so sánh bản thân với người khác cũng giống như vậy. 

Mỗi con người trong chúng ta, sinh ra và lớn lên trong những điều kiện sống khác nhau; được học tập, làm việc trong những môi trường hoàn toàn không giống nhau. Vậy nên không ai giống ai cả, từ trong thế giới quan, lối sống; cho đến thành tích, tài năng của mỗi cá nhân cũng đều không cùng một hệ quy chiếu để đem lên bàn cân và so sánh, cân đo, đong đếm.

Tôi có một người bạn luôn rất thích so sánh bản thân với người khác. Từ thời học đại học, anh ấy thường so sánh điểm số của mình với bạn bè xung quanh, đặc biệt là một số người mà anh ta không có thiện cảm. 

Điều đó đã dần dần hình thành nên tư tưởng đố kỵ trong suy nghĩ của anh ấy. Tôi chỉ khuyên người bạn này rằng người ta giỏi hơn mình về điều gì thì mình nên cố gắng ở điều đó, còn nếu không được thì hãy tập trung vào những thứ khác.
Chẳng hạn như có người học rất giỏi, điểm số cao ngất ngưởng thì anh ấy cũng nên học tiếng Anh, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, đọc nhiều sách hơn. Bởi vì đơn giản một điều rằng, trong cuộc sống, không có ai là hoàn hảo cả. Thay vì so sánh mình với người khác, chúng ta nên tập trung vào quá trình đầu tư cho bản thân.
Bắt chước, đố kỵ với người khác là rất sai lầm. Nhưng nếu cứ nhìn xuống những người thua kém mình và coi đó là niềm an ủi cho bản thân thì lại đáng tiếc hơn. Ở tuổi 30, có thể có nhiều người vẫn còn loay hoay tìm kiếm một công việc ổn định và phù hợp, nhưng cũng có người đã leo lên đến chức quản lý nhóm, trưởng phòng, hoặc khởi nghiệp và đã xây dựng được đế chế cho riêng mình. 


Điều kỳ lạ là ở chỗ, ở độ tuổi đó, có nhiều người vẫn mải mê so sánh với bạn bè, đồng nghiệp xung quanh mình. Có một chút thành tích nhỏ là đã đắc chí, lương cao hơn bạn cũ là đã hống hách, hơn người khác ở một vài điểm là đã tự mãn thì có lẽ bạn vẫn chưa hề trưởng thành. 


Thay vì nhìn xuống thì cố gắng cải thiện thành tích công việc, học hỏi thêm kinh nghiệm để tiệm cận với thành công là những nước đi hay hơn nhiều.

Bởi vì, lẽ thường tình, nỗ lực không bao giờ là thừa thãi!

Kỷ luật và bắt tay vào hành động là chìa khóa tốt nhất

Nhiều người trẻ bây giờ, đặc biệt là thế hệ Z, rất năng động và muốn trải nghiệm bản thân. Từ các hoạt động đoàn, hội, câu lạc bộ trong trường đại học cho đến tham gia các buổi hội thảo, khóa học kỹ năng; đọc sách, tập thể dục thể thao, chơi nhạc cụ… đều được đa số người trẻ lựa chọn. 

Tuy nhiên, đã bao giờ bạn hoài nghi về giá trị tích lũy được từ những việc trên? Sau một thời gian tham gia câu lạc bộ ở trường, bạn học hỏi được kỹ năng gì? Sau những buổi hội thảo, khóa học kỹ năng, bạn có chắc mình sẽ áp dụng những gì học được ngay vào cuộc sống? Sau những quyển sách hay, liệu bản thân người trẻ sẽ thành công hơn?

Câu trả lời đương nhiên là KHÔNG hoặc rất ít. Chắc hẳn chúng ta đều biết rằng chỉ nhìn, nghe, đọc những điều hay ho mà không hành động trong thực tế thì chẳng khác nào cưỡi ngựa xem hoa. Và tất cả những giá trị đó đều không tồn tại và trở nên xa vời. 

Nói thì dễ, làm thì khó. Triết lý bao đời nay là vậy, sự khác biệt giữa người thành đạt và kẻ thất bại nằm ở chỗ cả hai đều biết tiếp thu điều hay ý tốt nhưng người thành đạt thì bắt tay vào hành động ngay lập tức chứ không hề trì hoãn, mơ tưởng hay chỉ biết nói mà không làm như người thất bại.
Cơ hội và nguồn lực là thứ mà ai cũng có nhưng nỗ lực và kỷ luật là thứ mà không mấy ai dùng.

Chẳng hạn, một sức khỏe tốt và một thân hình đẹp luôn được đánh đổi bằng những giờ miệt mài tập luyện ở phòng gym, thay vì nằm ỳ ở nhà và ăn uống vô tội vạ. 

Một ngày làm việc hiệu quả của người thành công bắt đầu từ những buổi sáng dậy sớm, thay vì tư tưởng "ngủ thêm 5 phút nữa chắc không sao đâu". Và của cải vật chất, vợ đẹp con ngoan, nhà cao của rộng, vị trí cao trong công ty của một người thành đạt cũng được tạo nên từ những lần không ngừng nỗ lực, trải qua không ít thất bại, thử thách, dấn thân vào khó khăn; thay vì đặt mục tiêu hoàn hảo và rồi vứt vào sọt rác như hàng ngàn kẻ thất bại thông thường.

Vì vậy, ao ước trở thành một con đại bàng dũng mãnh, một con hổ phi thường hay một con sói đầu đàn oai phong đều chỉ là những lời nói sáo rỗng và phi thực tế. Hãy cứ chỉ là con người thôi, nhưng là một phiên bản "tôi" tốt nhất có thể! Đá cuội hay kim cương đều phụ thuộc vào sự lựa chọn hoặc tiếp tục mơ mộng, hoặc bắt tay vào hoàn thiện bản thân ở bạn.