5 Kiểu nhân viên bạn nên sa thải ngay

Lực lượng nhân sự “chất lượng” là nhân tố cốt lõi của doanh nghiệp. Do đó, song song với chiến lược thu hút, bồi dưỡng nhân tài nhà quản lý còn cần chú ý “thanh lọc” các thành phần nhân sự cá biệt khiến công việc bị đình trệ, nội bộ mất đoàn kết.



Để thực hiện tốt “sứ mệnh” này các nhà lãnh đạo nên phải chủ động quan sát, nếu phát hiện nhân viên có các biểu hiện bên dưới thì nên xem xét đến việc sa thải để đảm bảo sự phát triển ổn định, vững mạnh cho công ty.


1. Xem thường kỷ luật công ty
Mỗi công ty đều có những nội quy riêng, đây được xem là “nguyên tắc vàng” để duy trì sự hoạt động ổn định của một tập thể. Chính vì thế, nếu phát hiện nhân viên có biểu hiện xem thường các quy định như: thường xuyên đi trễ, về sớm, không ăn mặc đúng tác phong… thì bạn nên xem xét đến việc cho nhân viên này nghỉ việc, nhất là khi đã được nhắc nhở nhiều lần mà vẫn tiếp tục vi phạm. Bởi nếu giữ lại các thành phần “cá biệt” này các nhân viên khác cũng sẽ “lờn” và không nghiêm chỉnh chấp hành, khiến tập thể trở nên “rối loạn”, khó quản lý hơn.


2. Không có tinh thần trách nhiệm
Ngoài ra các nhân viên không có tinh thần trách nhiệm trong công việc cũng là những đối tượng bạn cần xem xét “thanh lọc” sớm, để tránh làm ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của mọi người cũng như khiến các nhân viên khác có “cớ” để học theo, gây ảnh hưởng lớn đến chiến lược xây dựng và sự phát triển chung của công ty.
Biểu hiện của các nhân viên này chính là cách làm việc cẩu thả, qua loa, gây sai phạm lớn. Luôn hoàn thành các công việc chậm trễ, thường xuyên “đùn đẩy” trách nhiệm cũng như chiếm dụng thời gian công ty để làm việc riêng, lướt facebook, zalo, ra ngoài làm việc riêng lấy lý do đi gặp khách hàng…


3. Nhân viên có hành vi gây mất đoàn kết nội bộ công ty
Các nhân viên có hành vi ứng xử không phù hợp, gây chia rẽ nội bộ cũng là đối tượng “nguy hại” mà nhà quản lý cần xem xét sa thải sớm. Đó là những nhân viên có các biểu hiện thích “ngồi lê đôi mách”, nói xấu người này, người kia, nói xấu sếp, hay tỏ vẻ không hài lòng về công việc, mức lương… Ngoài “tám” trực tiếp tại công sở một số khác lại chia sẻ trên các diễn đàn, mạng xã hội… Đối với các nhân viên này dù họ có giỏi đến đâu bạn cũng tuyệt đối không nên giữ lại, để tránh gây ảnh hưởng đến các nhân viên khác cũng như làm rối loạn, mất “hình ảnh” công ty.




4. Nhân viên không trung thực và “có ý đồ riêng”
Bên cạnh đó các nhà quản lý hiện nay cũng cần chú ý quan sát để phát hiện các nhân viên không trung thực, có ý đồ “tư lợi” riêng gây ảnh hưởng đến lợi ích và sự phát triển của công ty. Điển hình như các nhân viên có ý đồ ăn cắp thông tin tài liệu công ty, sử dụng uy tín doanh nghiệp vào các mục đích cá nhân gây ảnh hưởng xấu, “ăn bớt ăn xén”, báo khống chi phí để “bỏ túi” ngân sách công ty… Đối với những nhân viên này khi phát hiện bạn nên sa thải ngay, đồng thời truy tố trách nhiệm pháp lý nếu cần để làm gương cho các nhân viên khác.


5. Nhân viên không có năng lực làm việc
Các nhân viên không có năng lực, hay phàn nàn cũng là những đối tượng mà bạn nên xem xét sa thải. Bởi tuy không “gây hại” trực tiếp nhưng về lâu dài có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của các nhân viên khác, khiến họ cũng cũng có tâm lý muốn “dậm chận tại chỗ”, “văn hóa” làm việc này nếu bị “lây lan” sẽ khiến cả tập thể bị đình trệ trong công việc và sự phát triển so với xu thế chung.

Là nhà quản lý bạn luôn mong muốn lực lượng nhân sự được ổn định, thế nhưng trong một số trường hợp việc chủ động "khai trừ" một số nhân viên "cá biệt" lại là điều cần thiết để giúp duy trì sự phát triển bền vững và sự "thuận hòa" cho công ty. 

Theo tri thức trẻ